13 điều người có tinh thần thép không làm viết về 13 thói quen xấu đang kìm hãm mỗi người trong chúng ta, từ đó khám phá và khai thác mọi đức tính và phẩm chất tốt trong chính mình.
Đối mặt và nhận diện được 13 thói quen xấu này, bạn mới tránh được chúng và không sa vào những lối mòn tư duy như: đổ lỗi cho người khác và hoàn cảnh, thói ích kỷ, cho rằng bản thân là cái rốn của vũ trụ, quá thương thân và cho rằng thế gian này không công bằng với bạn,... Và chỉ khi nào tránh được những “cạm bẫy” tinh thần này, mỗi người chúng ta mới có thể thực sự tập trung vào việc phát huy và tăng cường những điểm mạnh vốn có của mình, mới có thể chú tâm vào hành trình lâu bền cải thiện bản thân, tăng cường sức mạnh tinh thần để chinh phục mọi thử thách trong cuộc sống.
1. Không than thân trách phận
Tất cả chúng ta đều trải qua đau đớn và buồn khổ trong cuộc sống. Buồn bã còn là một cảm xúc bình thường, thậm chí là lành mạnh mà mỗi người đều nên có trong đời. Tuy vậy, cứ chăm chăm vào nỗi buồn đau và bất hạnh chính là tự hủy hoại bản thân. Sự tự thương hại có thể gặm nhấm bạn đến mức rốt cuộc nó làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và hành vi của bạn. Nhưng bạn có thể chọn cách củng cố quyền kiểm soát thân tâm của chính bạn. Ngay cả khi không thể thay đổi hoàn cảnh, bạn vẫn có thể thay đổi thái độ.
2. Không để người khác định đoạt đời mình
Nếu không nhận biết được bản thân mình là ai, có khả năng gì, bạn sẽ không có sự tự tin vào chính mình, vào toàn bộ giá trị bản thân của bạn. Vì lẽ này mà bạn dễ trở nên phụ thuộc vào cách mà người ngoài cảm nhận về bạn. Nếu bạn làm người ta phật ý thì sao? Nếu người ta không thích bạn nữa thì sao? Chọn dựng nên những ranh giới lành mạnh, bạn có thể sẽ phải nhận một số phản ứng tiêu cực, thậm chí là những công kích. Nhưng nếu ý thức về giá trị bản thân nơi bạn đủ mạnh, bạn sẽ thấy mình có thể chịu được những phản ứng đó, thậm chí là dần dà chuyển hóa nó, làm cho người ngoài thay đổi nhận thức về bạn và tôn trọng bạn nhiều hơn.
3. Không vì e ngại mà né tránh thay đổi
Nói muốn thay đổi thì dễ thôi, nhưng có thật sự thay đổi được hay không lại là một việc rất khó. Suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta có xu hướng “khuyên” chúng ta cứ sinh hoạt theo thói quen cũ và ngăn cản chúng ta tạo nên thay đổi trong thái độ và hành vi, ngay cả khi thay đổi này làm cho cuộc sống của chúng ta tốt hơn lên. Nếu bạn sợ việc làm điều gì đó mới mẻ và nó không thật sự tạo nên khác biệt lớn đối với cuộc sống của bạn, bạn có thể quyết định không đáng để bản thân phải trải qua những căng thẳng của việc thay đổi. Nhưng nếu bạn có thể bằng lý trí, nhận ra được rằng thay đổi có thể là tốt nhất đối với bạn về lâu về dài, thì việc chịu đựng chút khó chịu ban đầu có thể là hợp lý và đúng đắn.
4. Không tập trung vào những điều mà ta không thể kiểm soát
Bạn có thể không kiểm soát được tất cả các sự việc xảy đến với mình, nhưng có thể quyết định không để bản thân bị giảm giá trị vì chúng. Chúng ta không thể khiến tất cả mọi tình huống cũng như tất cả những người ta gặp trong đời đều phải hoạt động đúng theo cách mà ta nghĩ là nên như thế. Khi bạn học cách buông những việc mà mình không thể kiểm soát, bạn có thêm một khoảng thời gian và năng lượng cho những điều bản thân có thể kiểm soát để hoàn thành được những kỳ tích lạ thường.
5. Không cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người
Lão Tử từng nói: “Cứ bận tâm đến việc người khác nghĩ gì, bạn sẽ mãi là tù nhân của họ”. Việc bạn cố gắng trở thành một “người tốt” có thể phản tác dụng đấy, khi cách xử lý của bạn bị lệch về phía làm vừa lòng người khác. Nó có thể phá hoại nghiêm trọng mọi lĩnh vực đời sống và khiến bạn không thể đạt được các mục tiêu của mình. Bạn vẫn có thể tỏ rõ mình rộng lượng và tử tế mà không cần phải làm vừa lòng tất cả mọi người.
6. Không ngại mạo hiểm
Chúng ta đối mặt với nhiều rủi ro, mạo hiểm trong cuộc sống – chẳng hạn như về tài chính, thể chất, cảm xúc, xã hội, kinh doanh,... nhưng thường thì vì e sợ mà mọi người né tránh những việc mạo hiểm có thể thúc đẩy họ phát triển hết tiềm năng của bản thân. Đừng quá rụt rè, câu nệ và khắt khe khi hành động. Cuộc đời là một phép thử. Bạn trải nghiệm càng nhiều thì càng thu được nhiều bài học hữu ích.
7. Không sống bám vào quá khứ
Con người rất dễ sa vào cái bẫy đinh ninh rằng cuộc sống “hồi đó” dễ chịu và hạnh phúc hơn hiện tại. Bạn thậm chí có thể thấy hối tiếc vì những quyết định đã tạo nên con người hiện tại của bạn, bạn dễ nói những lời như: “Phải chi cưới người bạn trai đó thì giờ mình đã hạnh phúc”, “Nếu không bỏ học thì mình đã tìm được công việc yêu thích”, hay “Nếu không đồng ý chuyển thành phố thì đời mình đã tốt rồi”. Sự thật là chúng ta không biết được cuộc sống sẽ dành cho mình những gì. Những cái “lẽ ra đã khác đi...” hay “nếu ngày xưa chọn cái này...” mãi mãi chỉ là những tưởng tượng và cầu mong rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, song nhiều khi nó không thành hiện thực được. Dù việc tự phê bình, nhìn nhận lại bản thân là điều tốt, nhưng lún sâu vào đào bới quá khứ lại có thể biến tướng thành hủy hoại bản thân, khiến bạn không tận hưởng được hiện tại, cũng không lên kế hoạch được cho tương lai. Bạn không việc gì phải bị mắc kẹt trong quá khứ cả, bạn có quyền chọn sống cho hiện tại.
8. Không mắc đi mắc lại cùng một sai lầm
Dù chúng ta thường cho rằng mình học hỏi được từ sai lầm ngay sau lần phạm phải đầu tiên, nhưng sự thật là mọi người thường dẫm lại vào vết xe đổ của chính họ. Con người là vậy đó.
9. Không tức tối với thành công của người khác
Chúng ta thường rơi vào tình cảnh vừa muốn có những thứ mà người khác có trong khi còn chẳng biết chính mình đang muốn gì. Oán giận vì người khác có thành tựu là cảm giác chỉ dựa trên những suy nghĩ phi lý và có thể khiến bạn hành xử vô lý. Hãy tập trung vào con đường đi của chính bạn và gặt hái thành quả mà bản thân mong muốn, thay vì cứ để ý người khác và rồi tức tối khi thấy họ thành công.
10. Không từ bỏ sau lần thất bại đầu tiên
Trên đời này, chẳng có mấy người thành công chỉ sau một lần thử, bất cứ ai cũng phải trải qua ít nhất một lần thất bại trong đời. Đừng để cho bản thân hiểu sai về khả năng của chính bạn, cũng đừng nghĩ rằng vì đã từng thất bại nên bạn không bao giờ có thể thành công trong bất kỳ việc gì. Hãy dành thời gian suy nghĩ xem trong bạn đang có những ý nghĩ và quan niệm nào về thất bại, và hãy lọc hết chúng ra khỏi bạn. Hãy coi con đường dẫn đến thành công của bạn như một chặng đua đường dài chứ không phải cuộc chạy nước rút. Hãy chấp nhận rằng thất bại là một phần của quá trình học hỏi và trưởng thành.
11. Không sợ những khoảng thời gian ở một mình
Trong cái thế giới ồn ã ngày nay, dành thời gian ở một mình cho riêng bản thân mình không phải là ưu tiên hàng đầu của hầu hết mọi người. Với nhiều người, suy nghĩ ở một mình không có vẻ gì hấp dẫn cả. Với một số khác, điều đó nghe thật đáng sợ, họ nghĩ ở một mình tức là thất bại trong quan hệ xã hội và không có bạn bè. Tạo ra thời gian riêng tư với chỉ những suy nghĩ của bản thân có thể là một trải nghiệm có hiệu lực mạnh mẽ, là công cụ giúp bạn đạt được các mục tiêu của mình. Sức mạnh tinh thần đòi hỏi bạn phải có thời gian tách khỏi dòng chảy bận rộn và tất bật thường nhật để tập trung tăng cường sức mạnh tinh thần cho bản thân.
12. Không cảm thấy thế giới mắc nợ mình bất cứ điều gì
Tất cả chúng ta đều có khuynh hướng muốn đòi công bằng, kỳ thực là làm sao thỏa được mong muốn của bản thân – có được cái mà ta nghĩ là ta xứng đáng. Tuy nhiên, niềm tin rằng người khác đang nợ bạn điều gì đó chỉ đơn giản bởi cái sự bạn là ai, hay bạn đã trải qua những chuyện không lành mạnh. Tin rằng bạn là ngoại lệ nên không cần phải nỗ lực làm việc, hay không phải trải qua những điều mà mọi người khác trải qua là suy nghĩ không hề tốt cho bạn. Nhưng bạn có thể học cách thôi phàn nàn về việc không đạt được những điều mình xứng đáng, thay vào đó tập trung vào việc làm sao để trở nên đủ mạnh mẽ về tinh thần để không còn cảm thấy mình có cái quyền ấy nữa.
13. Không trông mong những kết quả tức thời
Trông đợi những kết quả tức thời cũng có thể khiến bạn vội vàng từ bỏ nỗ lực. Nếu bạn không thấy được kết quả ngay lập tức, bạn có thể lầm lẫn cho rằng những nỗ lực của mình là không có tác dụng gì. Những người có tinh thần mạnh mẽ nhận ra rằng một giải pháp mau chóng nhưng tạm bợ không phải lúc nào cũng là giải pháp tốt nhất. Việc sẵn lòng đặt ra những kỳ vọng thực tế và thấu hiểu rằng thành công không phải là thứ có thể có được chỉ qua một đêm là rất cần thiết nếu bạn muốn phát huy được hết khả năng của mình.