Giới thiệu sách Cốt Lõi Về Lãnh Đạo: Phát Triển Phẩm Chất Lãnh Đạo Từ Lý Thuyết Đến Thực Hành
Từ 70 năm trước, năm 1946, Einstein đã từng kêu gọi quyết liệt về việc thay đổi tư duy, ông cho rằng thế giới của chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khôn lường do những kẻ nắm quyền quyết định gây nên. Sức mạnh của năng lượng nguyên tử đã thay đổi mọi thứ, trừ cách suy nghĩ của chúng ta, và bối cảnh đó đang đẩy con người đến thảm họa kinh khủng. Để nhân loại tồn tại và phát triển lên tầm cao mới, tiếp thu lối tư duy mới là điều hết sức cần thiết.
Thời gian qua đi nhưng phạm vi, quy mô và thách thức mà Einstein chỉ ra vẫn đang là những vấn đề bức bách của chúng ta ngày nay. Chúng ta không chỉ cần thay đổi trong tư duy mà còn cả trong khả năng chịu trách nhiệm, hợp tác và lãnh đạo. Các vấn đề “mang tính sống còn” được nêu trên không thể chỉ trông cậy vào một nhà lãnh đạo anh hùng ra tay giải quyết mọi chuyện là xong. Thời nay đòi hỏi những nhà lãnh đạo có thể thích nghi với bối cảnh kinh doanh phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau.
Năm 2014, báo cáo của tổ chức APQC đã chỉ ra rằng năng lực lãnh đạo bị thiếu hụt ở các tổ chức thường rơi vào phần lập kế hoạch chiến lược, quản lý sự thay đổi, chia sẻ kiến thức, biết lắng nghe và trí tuệ cảm xúc. Tình trạng thiếu hụt năng lực lãnh đạo hiện nay bắt nguồn từ những nguyên nhân như:
- Thiếu lãnh đạo có khả năng làm việc hiệu quả
- Không đủ nhân sự theo kế hoạch
- Không đủ người có năng lực quản lý toàn tổ chức
- Không nhận ra rằng hiện nay chúng ta đang đòi hỏi một mô hình lãnh đạo mới
- Việc phát triển công tác lãnh đạo kém hiệu quả
- Không nắm bắt các giá trị đạo đức mới để thích ứng với sự thay đổi về nhân khẩu học, giá trị, thái độ ở nơi làm việc
Tình trạng thiếu hụt năng lực lãnh đạo hiện nay là một trong những động lực chính để nhóm tác giả Esther Cameron và Mike Green viết nên cuốn sách này: Cốt lõi về lãnh đạo.
Cốt lõi về lãnh đạo sẽ trang bị cho bạn lý thuyết nền tảng và khơi gợi bạn tự suy ngẫm về quá trình lãnh đạo của mình, từ đó có những bước tiến mới trong việc phát triển bản thân và đạt được kết quả mong muốn. Việc trở thành nhà lãnh đạo có trách nhiệm là một trong những điều kiện tiên quyết để dựng xây một thế giới tốt đẹp hơn. Vì thế, trước mắt bạn cần phải tập trung phát triển năng lực dẫn dắt đội ngũ của mình. Chính bạn sẽ là người bắt đầu hành trình lãnh đạo, hãy tận dụng quyển sách này như cẩm nang hướng dẫn và thực hành trong suốt chặng đường ấy.
Nhóm tác giả Esther Cameron và Mike Green chia Cốt lõi về lãnh đạo thành 6 phần:
- PHẦN I: Mô tả một số khía cạnh của bối cảnh thế giới hiện tại và chỉ ra thực trạng năng lực lãnh đạo của các nhà lãnh đạo hiện nay.
- PHẦN II: Trình bày những lý thuyết then chốt của định nghĩa “cốt lõi về lãnh đạo”. Cuối Phần II là những tóm tắt lại kiến thức bằng một sơ đồ tổng thể về kỹ năng lãnh đạo, chắt lọc lý thuyết và trình bày thành các nhóm kỹ năng cũng như phẩm chất cần thiết.
- PHẦN III: Giúp bạn hiểu rõ hơn về những yêu cầu đặt ra đối với nhà lãnh đạo trong thế kỷ 21. Phần này cũng cung cấp một số mô hình giúp bạn mở rộng năng lực xử lý những vấn đề ngày càng bất ổn và bất cập. Bạn cũng sẽ nắm được phương pháp học tập thông qua thực hành, phản xạ và ứng biến.
- PHẦN IV: Giúp bạn đánh giá bản thân cũng như năng lực lãnh đạo và áp dụng các lý thuyết khác nhau vào hoạt động thực tế của riêng bạn. Phần này sẽ hướng dẫn bạn cách kết nối các mục tiêu phát triển lãnh đạo và xác định những việc cần làm để đạt được điều đó.
- PHẦN V: Giới thiệu về Mô hình 5 phẩm chất. Đây là mô hình lãnh đạo tích hợp đã được xây dựng có hệ thống, dễ dàng ứng dụng và được chứng minh qua thực tiễn. Mỗi một phẩm chất đều được mô tả rõ ràng thông qua các kỹ năng cần thiết và ví dụ thực tế. Bạn có thể tự kiểm tra năng lực trong từng phẩm chất, nghiên cứu các ví dụ, suy ngẫm về từng trường hợp minh họa, sau đó chọn cách cải thiện và thuần thục kỹ năng qua vô vàn gợi ý khác nhau.
- PHẦN VI: Bàn về những thách thức trong việc cố gắng thay đổi văn hóa lãnh đạo của tổ chức, đặc biệt là về tiềm năng ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ Millennials đối với tổ chức của mình.