Giấy không thể biến thành vàng, và thuật giả kim thời trung cổ đã bị chứng minh đa phần chỉ là trò lừa đảo không hơn không kém. Ấy thế mà suốt một thời gian dài, hệ thống tiền tệ và tài chính của con người đã lấy đó làm nền tảng: biến giấy (tiền) thành vàng.
Tác giả Mervyn King, cựu Thống đốc Ngân hàng Anh quốc, chính là một trong những người đầu tiên cảm nhận về vấn đề trầm kha của hệ thống tiền tệ và tài chính hiện hữu. Cuộc Cách mạng Công nghiệp (thế kỷ XVIII-XIX) đã tạo nên nền tảng của thời đại tư bản hiện đại. Tuy nhiên, sự bùng nổ của những đổi mới công nghệ của thời hiện đại đang thách thức hai ý niệm cũ về hệ thống tài chính và tiền tệ: đó là việc sử dụng tiền giấy và sự ra đời các ngân hàng tín dụng. Ngày nay, chúng ta vẫn coi những hệ thống này như điều hiển nhiên, dẫu cho cốt lõi của những ý niệm đó có bất thường và “màu nhiệm” (như thuật giả kim) ra sao đi nữa. Những tờ giấy có in chữ bình thường bỗng trở nên quý giá chẳng kém gì vàng, và những khoản vay dài hạn đầy rủi ro được chuyển thành các khoản tiền gửi ngắn hạn an toàn. Như tác giả gọi, đây chính là “thuật giả kim tài chính” – sự tạo ra những sức mạnh tài chính khổng lồ có thể phớt lờ thực tế và lý lẽ tự nhiên. Niềm tin vào sức mạnh này mang lại những lợi ích to lớn; tính thanh khoản mà nó tạo ra đã giúp thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế trong suốt hai thế kỷ đã qua. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra một chuỗi thảm họa kinh tế không có hồi kết, từ siêu lạm phát cho đến sự sụp đổ của ngành ngân hàng, từ những cuộc suy thoái toàn cầu cho đến tình trạng trì trệ hiện tại.
Làm thế nào chúng ta có thể dung hòa giữa điểm mạnh và điểm yếu của những ý niệm trên? Từ kinh nghiệm của bản thân trong lĩnh vực tài chính, tác giả đã đưa ra những kiến giải mới mẻ về các lực lượng kinh tế này và chỉ ra con đường hướng về phía trước cho nền kinh tế thế giới. Những giải pháp táo bạo của Mervyn King đánh thẳng vào những yếu tố phức tạp, không cần thiết và thừa thãi của hệ thống lập pháp để đề ra một con đường sáng sủa hơn cho sự phát triển kinh tế và chấm dứt sự phụ thuộc thái quá vào “thuật giả kim” của chúng ta.