THIỀN THẬT RA KHÔNG KHÓ - TRẦN LUÂN TÍN
Tôi tâm đắc với ý "hồn nhiên trước khi biết và hồn nhiên sau khi biết" mà tác giả đã nêu trong sách Thiền thật ra không khó. Nhớ lại cả một giai đoạn dài trước đây, mình chưa từng biết tới, đừng nói đến nghĩ hay bận tâm về cái sự "hồn nhiên" của mình. Bởi vì sự hồn nhiên khi ấy thực sự là thứ bản năng "trời cho".
Khi không còn sự hồn nhiên bản năng nữa thì cảm giác căng thẳng, mệt mỏi ập đến nhiều hơn, tần suất dày hơn theo thời gian. Cái đầu dường như luôn đặc quánh vì những bận bịu, lo toan, và có lẽ cả vì những giờ dài gò lưng làm việc bên máy tính.
Tôi đọc Thiền thật ra không khó, muốn tìm cho mình một liều thuốc tinh thần. Sự giản dị của văn phong, chất khiêm nhường chân thành, tận tụy nghĩ cho người đọc của tác giả thật cảm động. Không muốn làm rối trí thêm những tâm trí đã bải hoải, người viết chọn cách "cầm tay chỉ việc" rất cụ thể, tỉ mỉ tới từng thao tác để ai cũng có thể bắt đầu học thiền từ động tác cụ thể, để rồi có thể tiến đến thiền trong tâm trí.
Học buông và thả để tập trung trong trạng thái "trong suốt" là việc nói dễ hơn làm. Có ngồi thiền mới biết việc ngồi yên, không nghĩ gì cả, thực sự là một thách thức.
Tác giả Trần Luân Tín từng kinh qua cái trở ngại này nên ông chia sẻ với người đọc cách mình tự khắc chế "con ngựa bất kham" của tâm trí. Ông gợi ý, nhưng không quên nhắc rằng có thể cách đó sẽ không hay bằng cách mà mỗi người tự tìm ra cho bản thân mình.
Tôi thường nhớ tới hai chữ "lỏng" và "rỗng" mỗi khi ngồi thiền mà Trần Luân Tín nhắc lại nhiều lần, coi đó như những khẩu quyết có tính dẫn dụ súc tích nhất. Và nhận ra rốt cuộc hai chữ ấy chính là cái đích của hành thiền.
Mỗi ngày tôi tự tặng cho bản thân mình một khoảng thời gian "rỗng" hết sức có thể, để hưởng lấy sự nhẹ nhõm, thanh thản. Cùng với thời gian, tôi nhận ra mình có thể hướng tới việc thiền mọi nơi, mọi lúc trong ngày.
Bởi bất cứ khi nào nhớ tới và để tâm "quan sát", lắng nghe bên trong cơ thể mình, thì ngay khi đó tôi đã cảm thấy mình có thể bước vào trạng thái thiền.