Bất kỳ doanh nhân nào cũng mong muốn xây dựng được một thương hiệu (nhãn hiệu thương mại) cho doanh nghiệp và cho sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, nếu như hiểu rằng “thương hiệu” là “cái hiệu được thương” thì cũng đồng nghĩa với việc xây dựng thương hiệu là một thách thức lớn đối với mọi doanh nghiệp. Bởi lẽ, muốn có cái “hiệu” (nổi tiếng) thì không khó, nhưng để cái “hiệu” đó được “thương” (uy tín) là điều không hề dễ dàng.
Và “Tốc độ của niềm tin” (Speed of Trust) là một trong số những cuốn sách hay nhất về cách thức xây dựng thương hiệu doanh nghiệp mà tôi từng biết.
Cuốn sách này chỉ ra rằng, muốn có thương hiệu uy tín (Trusted Brand) thì cần phải có một tổ chức đáng tin (Trusted Organization); muốn có một tổ chức đáng tin thì cần phải có đội ngũ đáng tin (Trusted Team); muốn có đội ngũ đáng tin thì cần phải có con người đáng tin (Trusted People).
Khi một người muốn được tin cậy bởi người khác (Trusted by Others) thì trước hết người đó phải có “tự trọng / sự đáng tin từ bên trong” (Self-Trust). Nếu tự mình thấy mình không đáng tin thì sẽ không bao giờ có được sự tin cậy của người khác. Ngược lại, khi mình thực sự có “Self-Trust” (có thiện căn và đức tin, có lương tri và phẩm giá ở bên trong con người mình) thì mặc nhiên mình sẽ nhận được sự tin cậy của người khác.
Như vậy, một thương hiệu uy tín (Trusted Brand) sẽ là hệ quả của những con người đáng tin (Trusted People), đội ngũ đáng tin (Trusted Team) và tổ chức đáng tin (Trusted Organization). Nói cách khác, hành trình từ “Tự trọng cá nhân” (Self-Trust) đến “Thương hiệu tổ chức” (Trusted Brand) cũng chính là cách thức xây dựng thương hiệu hay nhất, hiệu quả nhất và bền vững nhất đối với mọi tổ chức và mọi doanh nghiệp.
Với phương cách độc đáo này, xây dựng thương hiệu không chỉ là công việc của bộ phận Marketing hay công việc của Ban lãnh đạo Công ty như lâu nay, mà đó còn là trách nhiệm thực sự của mỗi thành viên trong toàn tổ chức. Nói cách khác, mỗi nhân viên đều là người xây dựng thương hiệu công ty.
Giá trị lớn nhất của doanh nghiệp không phải là “cái hiệu” mà là “cái hiệu được thương” (thương hiệu); Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp không phải là con người, mà là con người đáng tin. Và “đáng tin” không chỉ là “thương hiệu”, là “tài sản”, là “văn hóa” (văn hóa cá nhân, văn hóa tổ chức, văn hóa xã hội...), mà còn là “doanh thu”, là “chi phí” của doanh nghiệp. Bởi lẽ, khi có thương hiệu mạnh thì doanh thu sẽ tăng, chi phí sẽ giảm và hệ quả là lợi nhuận của doanh nghiệp cũng sẽ tăng nhanh và tăng bền vững.